Thống kê về mặt bằng lãi suất trong nửa đầu tháng 1, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi bằng VND của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng đều có mức tăng cao trong năm qua. Cụ thể, trong năm 2020, chỉ số VNIndex tăng 14,87%, giá vàng trong nước tăng hơn 32%. Trên thị trường bất động sản, số liệu từ Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, giá nhà chung cư – nhà dự án tại Hà Nội tăng khoảng 5% trong năm qua, trong khi giá đất dân cư một số khu vực tăng đột biến từ 30 - 50%. Tại TP.HCM dù không đưa ra con số thống kê cụ thể về mức tăng giá song Hiệp hội này cho rằng, trong khoảng thời gian rất ngắn, mặt bằng giá mới tại TP.HCM đã được thiết lập, các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp vì tăng giá.
Giới nghiên cứu thị trường cho rằng, trong đà tăng giá đó, đã có sự dịch chuyển vốn đầu tư từ các kênh rủi ro thấp sang các kênh rủi ro cao hơn như chứng khoán và bất động sản. Đây cũng là xu hướng được dự báo có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến phân tích dành những lời có cánh cho thị trường chứng khoán trong năm 2021 như “viết lại lịch sử”, “chân trời mới”, “sẵn sàng cất cánh”. Trong khi đó, giữa đà tăng mạnh của nhiều cổ phiếu, vẫn có rất nhiều mã cổ phiếu chịu mức giảm sâu và gây tổn thất nặng nề cho không ít nhà đầu tư trong năm qua. Thống kê trên thị trường cho thấy, có ít nhất 30 mã cổ phiếu chịu mức giảm giá từ 60% đến gần 80% trong năm 2020.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư, Qũy VinaCapital, điều cần xem xét khi đầu tư vào thị trường chứng khoán là biến động lãi suất và dòng tiền của doanh nghiệp.
“Khi lãi suất giảm, chúng tôi thấy có hiện tượng rút tiền từ tiết kiệm và cả bất động sản để đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, việc lựa chọn doanh nghiệp để mua cổ phiếu cũng cần cân nhắc thận trọng dựa trên các yếu tố cơ bản, năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch và dòng tiền. Thực tế, việc tối ưu hóa các kênh đầu tư giữa tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản là bài toán khó với tất cả các nhà đầu tư và trong giai đoạn biến động hiện nay, việc đa dạng hóa vẫn là nguyên tắc trong lựa chọn kênh đầu tư.”, ông Andy Ho nói.
Về thị trường vàng, theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, giá vàng năm 2021 sẽ tiếp tục biến động theo thông tin liên quan dịch Covid-19. “Nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, các gói kích thích của các ngân hàng trung ương hết tác dụng thì vàng sẽ tăng và chứng khoán sẽ không được hưởng lợi. Còn trong trường hợp việc chống Covid-19 đạt hiệu quả, vắc xin có tác dụng được tiêm phòng phổ biến thì đến quý 2, các nhà đầu tư có thể bán bớt vàng chuyển sang kênh chứng khoán và sản xuất, lúc bấy giờ thị trường chứng khoán có thể tăng điểm và vàng giảm giá. Từ đầu năm, giá vàng thế giới có lúc tăng lên đến gần 1.900 USD/oz, ngày 19/1, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.800 USD/oz và rất khó đoán định”, ông Hải nói.
Về thị trường bất động sản, theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, năm nay, giá căn hộ tại TP.Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020. Tại TP.HCM, giá căn hộ trong 6 tháng đầu năm nay vẫn có thể tăng chủ yếu ở khu vực thành phố Thủ Đức. Về cuối năm, nguồn cung tăng mạnh, giới đầu tư F0 rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh, lúc này, giá bất động sản có thể chững lại nhưng chưa giảm. Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức tăng khoảng 5 - 10%. Cũng theo Hiệp hội này, năm 2021, khó có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản bởi kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh, giá có thể kiểm soát được.
Theo Báo đấu thầu
Có thể bạn quan tâm
- Bất động sản năm 2021: Cấu trúc & Xu hướng - 25/01/2021
- Nhiều nút thắt được nới lỏng sẽ làm “nóng” thị trường bất động sản năm 2021 - 25/01/2021
- Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng của thị trường năm 2021 - 20/01/2021
- Năm 2021, khó xảy ra bong bóng bất động sản - 14/01/2021
- Dự báo lạc quan hơn về thị trường bất động sản trong năm 2021 - 14/01/2021
- Chuyên gia "bóc" lý do dòng tiền chảy mạnh vào địa ốc, dự báo năm 2021 - 07/01/2021
- Năm 2021 có tiền, kênh đầu tư nào hiệu quả? - 06/01/2021
- Bất động sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam - 06/01/2021
- Giá bất động sản tăng bất thường năm 2020 - 30/12/2020
- 3 nghịch lý trên thị trường bất động sản 2020 - 28/12/2020
- Xuất hiện nhiều lực đẩy mới, địa ốc 2021 bước vào chu kỳ tăng cao - 23/12/2020
- Dự báo bất động sản 2021: Xuất hiện 2 yếu tố kéo thị trường, giá vẫn tăng - 21/12/2020