CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Ngay sau khi ban hành kế hoạch hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành đồng loạt 9 thông tư, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.
Cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết

Hành động nhanh của NHNN ngay trước thềm Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực được các ngân hàng thương mại và chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Bởi theo các thông tư vừa ban hành, nhiều điều kiện kinh doanh, hay các giấy phép con đã được bãi bỏ.

Cụ thể, các thông tư như Thông tư số 13/2016/TT-NHNN, Thông tư 14/2016/TT-NHNN, Thông tư 15/2016/TT-NHNN… đều sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, như các quy định liên quan đến điều kiện cho vay ra nước ngoài; một số nội dung về điều kiện thực hiện ủy thác, nhận ủy thác, điều kiện thực hiện hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…

Ngan hang Nha nuoc manh tay bai bo giay phep con - Anh 1

.

NHNN khẳng định, việc sửa đổi này nhằm đảm bảo phù hợp với hiệu lực thi hành Luật Đầu tư 2014 về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ.

Động thái tiên phong cắt giảm điều kiện kinh doanh của NHNN được các ngân hàng đánh giá cao. Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng: “Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt thời gian, chi phí về thủ tục hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh”.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV cho rằng, việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất.

Trước khi cắt giảm hàng loạt giấy phép con, tuần qua, NHNN đã ban hành Kế hoạch Hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Thống đốc NHNN đặt mục tiêu toàn ngành phải nâng cao Chỉ số Tiếp cận tín dụng quốc gia, đồng thời hối thúc các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật…

Doanh nghiệp vàng chưa vui

Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng lại chưa hài lòng vì không có thông tư nào liên quan đến lĩnh vực vàng. Tuần qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị loại bỏ nhiều giấy phép con trong lĩnh vực này. Theo Hiệp hội, có rất nhiều hoạt động không bị cấm song thực tế lại giống như cấm do hàng loạt giấy phép con.

Đơn cử, theo quy định hiện hành, hoạt động vay vốn, nhập khẩu vàng, mở chi nhánh… của doanh nghiệp vàng không bị cấm. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ gần như bị chặn do hàng loạt giấy phép con. Vì vậy, hơn 4 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và cũng gần 5 năm qua, chưa doanh nghiệp vàng nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

“Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất là yêu cầu chính đáng của bất cứ doanh nghiệp ngành nào, nhưng 5 năm qua, chúng tôi buộc phải mua nguyên liệu trôi nổi, chất lượng kém trên thị trường với giá đắt hơn từ vài trăm đến cả triệu đồng/lượng so với giá vàng nhập khẩu”, Tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng cho hay.

Hiện NHNN vẫn chưa có phản hồi về những “tố khổ” của doanh nghiệp kinh doanh vàng, song một nguồn tin cho hay, quan điểm của NHNN vẫn là tiếp tục thận trọng với vàng. NHNN đang chuẩn bị tổng kết lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, sau đó mới đề xuất những chính sách tiếp theo. “NHNN là cơ quan duy nhất được quyền nhập khẩu vàng, doanh nghiệp muốn nhập vàng cần có ý kiến của NHNN. Tại thời điểm này, nên tiếp tục duy trì quy định trên để chống vàng hóa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.

Hà Tâm