CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản ở Việt Nam mang nhiều sức hấp dẫn và các chiến lược M&A trong lĩnh vực này vẫn không ngừng được thực hiện.

M&A bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự chững lại về số lượng. Điều này được lý giải từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. 

Theo quan sát của Công ty Tư vấn JLL, vẫn đang có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư Việt Nam có danh mục phát triển quy mô lớn và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi tính quy mô của dòng tiền đầu tư, hiệu suất sinh lợi cao và tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản còn non trẻ và đang phát triển. 

Dù các giao dịch này vẫn trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý, song đây được đánh giá là yếu tố tích cực của thị trường bất động sản Việt Nam.

Bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của thị trường và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.

Cụ thể về xu hướng phát triển dự án khu đô thị, ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty Frasers Property Việt Nam dự đoán, nhu cầu dự án này còn rất lớn và có sức sống riêng của mình, kể cả lúc thị trường khó khăn.

Frasers Property Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các thương vụ M&A tại nhiều thị trường và Việt Nam được xác định là thị trường quan trọng, dù đại dịch khiến quá trình thực hiện chiến lược này chậm lại.  

 
Ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty Frasers Property Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2020.
 
Vị này đánh giá, so với những thị trường khác, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì nhu cầu với mảng này tại Việt Nam. Phần vì bất động sản được xem là tài sản cứng, có giá trị bền vững là thuộc dự án nhà ở hay văn phòng. 
 
“Tôi vẫn thấy thị trường bất động sản ở Việt Nam vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan”, ông Lim Hua Tiong chia sẻ nhưng không quên đề cập đến các lưu ý cần quan tâm khi đầu tư vào thị trường bất động sản nói chung và M&A trong lĩnh vực này nói riêng.
 
Cụ thể, khi tiến hành tìm hiểu đối tác cho chiến lược M&A, từ kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực này, ông Lim Hua Tiong cho rằng, “đừng trả tiền khi thương vụ chưa được đảm bảo, dù lợi nhuận có thể lên 30-40%”.
 
Nghĩa là, phải kiên nhẫn khi M&A, bất kể mức độ thông minh của đội ngũ thực hiện chiến lược hay quá trình thẩm định đầu tư đã được thực hiện cẩn trọng cỡ nào thì rủi ro vẫn có thể xuất hiện.
 
Ngoài cẩn trọng, việc chọn đối tác phù hợp, có năng lực thực thi tương ứng suốt quá trình thực hiện thương vụ hay chọn thời điểm bắt tay hợp tác đều là các thành tố quan trọng khi M&A. 
 
Cùng với đó, sự thẳng thắn về các điều khoản thoả thuận cũng được đề cao để “mất lòng trước được lòng sau”.
 
Theo Báo đầu tư