CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
"Với động thái này trước mắt NHNN đã giải tỏa tâm lý cho thị trường BĐS. Đứng về phía góc độ về doanh nghiệp, chúng tôi cũng mừng thị trường đỡ bị tác động", chủ tịch GP.Invest cho biết.

Chốt lại những tranh luận, góp ý và cả những phản ứng gay gắt, Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp dung hòa khi sửa Thông tư 36, mà điểm nóng liên quan là tín dụng bất động sản.

Theo Thông tư 36 sửa đổi mà NHNN vừa ban hành thì hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến, và được thực hiện từ 1/1/2017; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho biết quyết định trên của NHNN đã cho thấy NHNN đã có sự tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS.

"Nếu như NHNN vẫn giữ như dự thảo ban đầu tăng hệ số rủi ro phải đòi của BĐS lên 250% và hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% thì chưa kể là dòng tiền bị siết lại mà ngay cả thị trường BĐS cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý dè chừng, án binh để thăm dò thị trường. Tuy nhiên, với động thái này trước mắt NHNN đã giải tỏa tâm lý cho thị trường BĐS. Đứng về phía góc độ về doanh nghiệp, chúng tôi cũng mừng thị trường đỡ bị tác động", ông Hiệp cho biết.

Trả lời câu hỏi, việc NHNN đang dần siết tín dụng BĐS có ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp không, ông Hiệp khẳng định: "Chúng tôi luôn chủ động về vốn, ngân hàng chỉ là nguồn vốn thêm. Trong kế hoạch kinh doanh của mình tại mỗi dự án chúng tôi đều có những kế hoạch kinh doanh riêng và chủ động về tài chính. Chính vì vậy, chúng tôi rất ít bị ảnh hưởng bởi thông tư của NHNN".

Tuy nhiên đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện GP.Invest cũng cho rằng: "Vấn đề NHNN tăng hệ số rủi ro hay hạ tỷ lệ vốn vay ngắn hạn trung và dài hạn không đáng lo bằng việc doanh nghiệp BĐS dùng dòng vốn tín dụng như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu NHNN quản lý ở khâu này không tốt về lâu dài có thể gây nên sự đổ vỡ của thị trường".

Nhìn nhận việc NHNN sửa đổi thông tư 36 ở một khía cạnh khác ông Nguyễn Duy Hiển - Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Anh Quân Strong cho biết: "Thực chất động thái đang dần thắt chặt lại tín dụng cho BĐS của thông tư 36 trong bối cảnh tín dụng BĐS đang tăng cao như hiện nay là điều tất yếu. Tôi cho rằng đây cùng là cơ hội để thị trường BĐS thanh lọc những chủ đầu tư có tài chính vững mạnh".

"Chúng ta hình dung trên thị trường BĐS hiện nay các doanh nghiệp đang tham gia một cuộc chạy đua marathon. Trong cuộc đua này, chỉ những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực, có chiến lược đầu tư bài bản mới tồn tại", ông Hiển nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi đại diện một doanh nghiệp BĐS khác thì cho rằng, hiện nay vốn của doanh nghiệp triển khai dự án chủ yếu là vốn từ ngân hàng. Vì vậy khi Thông tư 36 siết thị trường lại thì bắt buộc DN phải chuyển hướng tiếp cận vốn, thay vì chỉ nhìn vào ngân hàng.

"Trước mắt các DN cần điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn một cách đa dạng hơn bằng cách khai thác các quỹ đầu tư, kể cả quỹ mạo hiểm và tín thác. Việc đơn giản nhất là cách họ huy động vốn thông qua hợp tác đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để DN trong nước tích lũy kinh nghiệm quản lý", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ