CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc.

Tại một hội thảo mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng, thị trường hiện nay đang sàng lọc các chủ đầu tư (CĐT) dự án rất rõ nét. Những CĐT có năng lực bao gồm cả năng lực tài chính, quản trị, nhân lực mới có thể tồn tại được. Vấn đề về nguồn cung không đáng lo ngại mà điều quan trọng nhất của thị trường BĐS hiện nay là năng lực của CĐT, mô hình dự án như thế nào.

Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, dịch bệnh vừa rồi là phép sàng lọc mạnh cả nhà đầu tư và chủ đầu tư.

Với các nhà đầu tư lướt sóng thời gian qua chắc chắn gặp khó khăn khi đầu ra bị ảnh hưởng. Phía chủ đầu tư cũng xuất hiện xu hướng như vậy, qua khó khăn chỉ những CĐT có nguồn vốn ổn định, cơ cấu quản lý hợp lý mới duy trì được. Từ thực tế có thể thấy, nhiều chủ đầu tư lớn vẫn liên tục mở rộng đầu tư ra các thị trường như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn đưa ra các phương thức hỗ trợ tài chính để thu hút người mua nhà vì bản thân họ đã có sự chuẩn bị.

"Bên cạnh các doanh nghiệp lớn có thể đứng vững thì tôi cho rằng các chủ đầu tư không trường vốn đủ mạnh chắc chắn khó khăn, một số chủ đầu tư phải bán dự án. Ngoài ra các công ty xây dựng, các đơn vị môi giới nhiều nơi cũng đang khó", ông Kiệt nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp BĐS nhìn chung đang gặp khó. Thể hiện trong các bác cáo thị trường đều có dấu hiện doanh thu, lợi nhuận giảm, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn. Hiện tại các doanh nghiệp lớn không sẵn sàng cho việc tái cơ cấu, thay đổi nhân sự… trong thời điểm khó khăn này.

Thực tế, doanh nghiệp BĐS lớn áp lực về dòng tiền lớn nên buộc phải đầu tư các dự án lớn. Mà hiện tại Tp.HCM không phát triển các dự án, buộc các doanh nghiệp đầu tư ra các tỉnh. Tuy nhiên, việc đô thị hóa các khu vực, dân cư hóa là vấn đề khó, để người dân chấp nhận mua nơi xa rất khó. Đây cũng là một khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS đang gặp phải.
 

"Theo tôi, đến năm 2021, sẽ có sự đổi ngôi, tức là top doanh nghiệp BĐS lớn phải thay đổi. Sẽ có nhiều cái tên mới xuất hiện trên thị trường BĐS. Trong đó, doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải đồng hành với người mua với các chính sách bán hàng, ưu đãi lớn", ông Quang nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính khẳng định, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn. Tại Tp.HCM dù sức mua vẫn còn rất lớn nhưng doanh nghiệp không thể ra dự án mới. Còn thị trường các tỉnh chủ yếu là condotel, BĐS nghỉ dưỡng nhưng cũng gặp khó khăn về pháp lý.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải chấp nhận đánh bắt xa bờ. Các doanh nghiệp Việt Nam hơn 20 năm nay vẫn đơn thuần là doanh nghiệp đầu tư dự án nên khi dự án bị tắc nghẽn thì họ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay khác hơn so với năm 2008 khi xuất hiện các cục máu đông nợ xấu. Là do thời điểm đó hàng loạt ngân hàng nhỏ được thành lập và huy động vốn bằng mọi cách mà sân sau chính là các công ty bất động sản. Do đó, khi thị trường đóng băng thì hình thành các khối nợ xấu.

Giai đoạn 2014 cho tới nay thì hệ thống ngân hàng đã đã được chuẩn hoá. Dù một số doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn chưa hình thành nợ xấu. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh covid nên nhiều doanh nghiệp được giãn nợ nên nhìn chung báo cáo vẫn chưa có nợ xấu. "Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu thị trường sắp tới không "tiêu hoá" được trở lại thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn", ông Hiển khẳng định.