Ở góc nhìn của chuyên gia, họ nói gì trước đề xuất này của Bộ xây dựng.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, đây là việc nên làm. Chúng ta đang kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam, hà cớ gì cấm người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam, bao gồm cả BĐS du lịch. "Tuy nhiên, liên quan đến việc mua bán, sở hữu bao nhiêu BĐS du lịch còn phụ thuộc vào việc quản lý về mặt an ninh chính trị, tránh trường hợp tạo nên tổ hợp ảnh hưởng đến vấn đề an ninh hoặc các vị trí xung yếu", ông Khương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này chỉ ra các điểm lợi khi cho phép tổ chức, người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam, ngoài việc gỡ khó cho thị trường BĐS du lịch thì dưới góc nhìn thương mại thì việc mua ở, đầu tư BĐS du lịch miễn sao người sao người mua hoàn thành được nghĩa vụ thuế, phí theo quy định của nước sở tại; chứng minh được dòng tiền mua là tiền sạch (không phải rửa tiền). Thực tế, theo ông Khương, ở các quốc gia lân cận việc người mua BĐS (bao gồm cả BĐS du lịch) đã diễn ra khá nhiều.
Ngoài ra, việc cho người nước ngoài mua BĐS du lịch Việt Nam cũng là hình thức xuất khẩu tại chỗ. BĐS là tài sản giá trị lớn, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam, miễn sao chúng ta kiểm soát được an ninh, chính trị, thuế phí. Hình thức sở hữu này cũng được xem là lưu trú tại Việt Nam, miễn sao chúng ta kiểm soát tốt vấn đề an ninh chính trị. Thậm chí, theo ông Khương, việc sở hữu BĐS tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền chạy về Việt Nam ở các lĩnh vực khác cũng tốt theo.
"Chúng ta đang ở nền kinh tế thị trường, mỗi phân khúc đều có nhu cầu riêng. Nhu cầu người nước ngoài sở hữu BĐS Việt Nam nói chung còn rất lớn, ở cả phân khúc BĐS nhà ở lẫn du lịch. Thay vì họ phải nhờ người thân đứng tên để mua gây phiền toái thì cơ chế để họ được mua, sở hữu cũng giúp kích thích cho nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Tuy nhiên, tôi cũng luôn nhấn mạnh, về mặt quản lý chúng ta phải đảm bảo được yếu tố về an ninh chính trị, tránh các vị trí xung yếu", ông Khương chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Huy, chuyên gia BĐS cá nhân cho hay, du lịch là ngành công nghiệp không khói của Việt Nam, cũng là ngành nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam chúng ta nổi tiếng với với những danh lam thắng cảnh trải dài từ Bắc đến Nam. Theo đó, sự đóng góp của ngành du lịch cũng to lớn, khoảng 8,5% GDP. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam gần 16 triệu người mỗi năm là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh Việt Nam đến toàn thế giới cũng như phát triển BĐS du lịch.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch Việt Nam. Vì đó là cơ hội để thu hút vốn từ nước ngoài đổ về Việt Nam, phát triển mạnh hơn nữa ngành du lịch, từ đó kéo theo ngành kinh doanh khác như dịch vụ, sản xuất, ăn uống... Và ảnh hưởng tích cực đến thị trường BĐS nói chung. Phân khúc được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là BĐS nghỉ dưỡng. Song song đó, thì với việc quản lý, cũng như những quy định chặt chẽ của pháp luật sẽ dung hòa được 2 yếu tố phát triển kinh tế du lịch và an ninh quốc phòng", ông Huy nhấn mạnh.
Chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Đình Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng cho rằng, đứng ở góc độ của ngành nghề kinh doanh BĐS, Nhà nước cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu BĐS du lịch nghỉ dưỡng là hoàn toàn có lợi. Ngoài việc đối tượng khách hàng được mở rộng không những trong nước mà trên khắp thế giới, khách hàng quốc tế còn kích thích các chủ đầu tư mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm trong các phân khúc cao cấp, sang trọng để đáp ứng nhu cầu và hầu bao dồi dào của khách hàng quốc tế.
Theo ông Trung, một khi ngành BĐS du lịch có cơ sở phát triển thì du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, người dân địa phương sẽ có nhiều việc làm, thu nhập hơn. Mặc dù dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn cầu trong thời gian vừa qua, nhưng Việt Nam đã xây dựng được uy tín và hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Theo đó, hậu Covid-19 sẽ là một cơ hội rất lớn, BĐS du lịch tại Việt Nam chắc chắn là điểm ngắm của nhiều khách hàng người nước ngoài trên khắp thế giới.
Theo đó, ông Trung cho rằng, về mặt tổng thể thì chính sách này là cơ sở và đòn bẩy quan trọng cho ngành BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển cả về chất và lượng, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho nền kinh tế và đóng góp một nguồn đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia, thực tế quy định của Luật nhà ở hiện nay đã cho phép tổ chức nước ngoài, người nước ngoài được sở hữu nhà ở khi đầu tư dự án nhà ở tại Việt Nam (nhà riêng lẻ, căn hộ chung cư), nếu kiến nghị để tổ chức, người nước ngoài sở hữu thêm BĐS du lịch Việt Nam sẽ không làm thay đổi bản chất vấn đề. Thậm chí, theo một vài chuyên gia, tỉ lệ quy định việc sở hữu bao nhiêu nên phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường thay vì thắt chặt bao nhiêu %, dĩ nhiên tỉ lệ này phải được đặt vào việc đảm bảo an ninh chính trị quốc gia, được kiểm soát theo khu vực.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). Trong đó, có 48 dự án BĐS nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng. Báo cáo của 34 tỉnh, thành phố gửi về Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý 1/2020 có 5 dự án BĐS được cấp phép đầu tư, với 4.512 căn hộ du lịch và 476 biệt thự du lịch được cấp phép.
Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS cả nước nói chung, BĐS du lịch nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho BĐS tăng mạnh. Lượng tồn kho BĐS chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch. Theo các chuyên gia, việc sửa Luật để người nước ngoài có thể sở hữu BĐS du lịch Việt Nam là một giải pháp nên được tính toán đường dài chứ không phải là câu chuyện trước mắt.
Có thể bạn quan tâm
- Bất động sản năm 2021: Cấu trúc & Xu hướng - 25/01/2021
- Nhiều nút thắt được nới lỏng sẽ làm “nóng” thị trường bất động sản năm 2021 - 25/01/2021
- Chọn kênh đầu tư năm 2021: Không bỏ trứng vào một giỏ - 20/01/2021
- Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng của thị trường năm 2021 - 20/01/2021
- Năm 2021, khó xảy ra bong bóng bất động sản - 14/01/2021
- Dự báo lạc quan hơn về thị trường bất động sản trong năm 2021 - 14/01/2021
- Chuyên gia "bóc" lý do dòng tiền chảy mạnh vào địa ốc, dự báo năm 2021 - 07/01/2021
- Năm 2021 có tiền, kênh đầu tư nào hiệu quả? - 06/01/2021
- Bất động sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam - 06/01/2021
- Giá bất động sản tăng bất thường năm 2020 - 30/12/2020
- 3 nghịch lý trên thị trường bất động sản 2020 - 28/12/2020
- Xuất hiện nhiều lực đẩy mới, địa ốc 2021 bước vào chu kỳ tăng cao - 23/12/2020