CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã chọn con đường ngắn nhất để có thể tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua M&A (mua bán sáp nhập).

Thị trường bất động sản Việt Nam đang được các nhà đầu tư đánh giá là giàu tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục hành chính luôn khiến các chủ đầu tư đau đầu bởi phải đi chặng đường quá dài. Vì vậy, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã chọn con đường ngắn nhất để có thể tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua M&A (mua bán sáp nhập).

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội nhận định, M&A là xu hướng diễn ra mạnh trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua. Điều này thể hiện qua việc các nhà đầu tư ngoại thường xuyên mua lại hoặc tham gia để trở thành cổ đông tại các dự án bất động sản. Sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm cũng rất đa dạng, bao gồm cả quỹ đất thương mại, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng...

Trước khó khăn của thị trường bất động sản do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn trong dài hạn về tiềm lực tài chính cũng như thanh khoản nên buộc phải bán trao tay dự án hoặc chấp nhận chuyển nhượng, san sẻ bớt cổ phần... Đây cũng chính là cơ hội mua bán sáp nhập các dự án bất động sản cho cả nhà đầu tư nội và ngoại - những người có tiềm lực mạnh về tài chính.

Theo bà An, các nhà đầu tư ngoại đã sớm bộc lộ xu hướng quan tâm đặc biệt đến M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam, ngay cả giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 cũng vậy. Tuy nhiên, bất động sản là sản phẩm đặc thù, giá trị vốn lớn nên các nhà đầu tư ngoại không thể sử dụng hình thức khảo sát trực tuyến thay cho trực tiếp.

Vì vậy, giai đoạn này, dù đích ngắm đã rõ nhưng nhà đầu tư ngoại đang gặp phải trở ngại do các đường bay thương mại quốc tế vẫn chưa mở cửa khiến họ khó khăn trong việc tham gia đánh giá trực tiếp các dự án.

Những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản tăng trưởng chậm nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội từ thương vụ M&A. Nhiều nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm bất động sản văn phòng, khách sạn vừa và nhỏ, resort, nhà phố... với giá trị đầu tư khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.

Từ năm 2019 đến nay, phía Savills đã ghi nhận một số dự án bất động sản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được thương lượng mua và chuyển nhượng theo hình thức M&A với tổng giá trị hơn 500 triệu USD.

Cùng với hoạt động M&A, trên thị trường bất động sản đang diễn ra xu hướng chuyển nhượng cổ phần của các doanh nghiệp lớn với những ngành nghề không tiềm năng để tập trung vào phát triển dự án bất động sản. Điển hình như thương vụ Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) bán toàn bộ 49% cổ phần với trị giá 87,75 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức để tập trung vào lĩnh vực chính của Công ty là bất động sản, nhà ở.

Các chuyên gia nhận định, khó khăn chung của thị trường bất động sản đang tạo tiền đề để hoạt động M&A sôi động, tuy nhiên các thương vụ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Bản thân các doanh nghiệp cũng luôn bày tỏ mong muốn về sự minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn - Công ty JLL Việt Nam khi bàn về vấn đề này đã cho rằng, để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trình phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.    

 

Theo báo Tổ Quốc