CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng, các tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ được mua và sở hữu bất động sản du lịch tại Việt Nam.

\

Theo giới kinh doanh bất động sản, cho phép người nước ngoài mua bất động sản du lịch sẽ thu hút nguồn vốn lớn vào phân khúc này.

 

Gỡ khó

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở người nước ngoài và các tổ chức nước ngoài trong mỗi tòa chung cư. Đặc biệt, kiến nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch.

Lý do, theo ông Ninh, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm, đặc biệt là lượng tồn kho bất động sản nghỉ dưỡng còn quá lớn. Bởi vậy, cần có giải pháp đột phá để gỡ khó cho thị trường.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel). Trong đó, có 48 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang triển khai xây dựng, với 18.549 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch.

Trong những tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, giao dịch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho bất động sản tăng cao. Ước tính giá trị tồn kho bất động sản của các doanh nghiệp đã niêm yết lên sàn tương đương 104.550 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp và căn hộ du lịch.

Cú huých cho thị trường

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Kai Marcus Schroter, chuyên gia lĩnh vực quản trị du lịch khách sạn cho rằng, việc Bộ Xây dựng kiến nghị cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch là một động thái cần thiết để Việt Nam giữ được sức hấp dẫn như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài.

“Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, muốn gắn bó lâu dài bằng cách mua một ngôi nhà thứ hai, đất đai hoặc căn hộ”, ông Kai Marcus Schroter nói và nêu thực tế, Luật Nhà ở 2014 cũng cho phép người nước ngoài mua nhà, nhưng đã có những quy định hạn chế vì nhiều lý do, chủ yếu là vấn đề an ninh.

Dưới góc độ thị trường, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, nếu người nước ngoài được phép mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, trước mắt sẽ giúp thị trường đa dạng được nguồn khách, giảm bớt áp lực trông đợi nguồn khách mua nội địa. Kích thích thị trường tăng trưởng tích cực hơn trong bối cảnh đang có nhiều thách thức, khó khăn. 

Chính sách mới cũng giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư cá nhân của người nước ngoài, góp phần đa dạng nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Song, ông Hoàng cũng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phải có những quy định pháp lý cụ thể để quản lý hiệu quả và hạn chế những rủi ro, đặc biệt chú ý vào quyền sử dụng đất, quyền và hình thức sở hữu công trình; thời hạn sử dụng, nguồn vốn vay tài chính của khách mua, kể cả việc phòng chống rửa tiền; việc sử dụng, vận hành, khai thác và quản lý; các nghĩa vụ về thuế, phí; các chế tài xử lý vi phạm...

Còn theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO, cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch sẽ giúp tính thanh khoản của thị trường tăng và thu hút thêm khách du lịch quốc tế. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm vào bất động sản du lịch sẽ đặt ra những yêu cầu mới, đa dạng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Theo giới kinh doanh bất động sản, cho phép người nước ngoài mua bất động sản du lịch sẽ thu hút nguồn vốn lớn vào phân khúc này. Nhà nước vẫn có thể quản lý tốt bằng các quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Có thể coi đây là giải pháp khẩn cấp giúp thị trường phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
 

Theo Baodautu.vn