CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Nguyên nhân làm thị trường nhà đất khó khăn, dự án ách tắc là do vướng mắc, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, thậm chí xảy ra “xung đột” trong một số quy phạm pháp luật.

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) về thị trường nhà đất sau giai đoạn cao trào của dịch Covid-19.

Theo ông Châu, đến nay Chính phủ đã kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid -19 và đang cho phép nới dần các biện pháp giãn cách xã hội trong điều kiện “bình thường mới” để tập trung khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế, với tinh thần mỗi người, mỗi doanh nghiệp nỗ lực gấp đôi gấp ba so với trước.   

Ông Châu nhận thấy lĩnh vực bất động sản là một trong những ngành kinh tế, giữ vai trò động lực và có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Do vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để thị trường bất động sản sớm phục hồi và tăng trưởng theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

Ông Lê Hoàng Châu: Bản chất thị trường bất động sản hiện nay không xấu

Ông Châu cho rằng, thị trường bất động sản gặp khó khăn rất lớn trong 2 năm 2018, 2019, bị sụt giảm nguồn cung, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, làm cho phần lớn cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ, người nhập cư càng khó có cơ hội tạo lập nhà ở.

Giai đoạn hiện nay, Chủ tịch HoREA khẳng định bản chất thị trường bất động sản không xấu, tính thanh khoản vẫn tốt. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án bị ách tắc là do những vướng mắc, chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, thậm chí xảy ra “xung đột” trong một số quy phạm pháp luật.

"Pháp luật về đất đai giữ vai trò nền tảng, nên rất cần phải được xây dựng hoàn thiện. Tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã đề nghị hoãn việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai 2013 đến sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới", ông Châu nói.

Do vậy, trong lúc chưa sửa đổi Luật Đất đai 2013, thì rất cấp bách phải sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thi hành Luật Đất đai, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đang làm ách tắc các dự án sản xuất kinh doanh và các dự án nhà ở.

Sau khi nghiên cứu, tôi cũng như hiệp hội tán thành nhiều nội dung của Dự thảo “Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” .

Trong đó, đáng chú ý là vấn đề giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê.

Ông Châu ủng hộ nội dung Khoản 12 Điều 1 “Dự thảo Nghị định” bổ sung “Điều 14b. Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất”, đối với các lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không phải đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu dự án có sử dụng đất, trừ trường hợp chỉ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản.

"Quy định này rất cần thiết để giải quyết ách tắc hiện nay đối với các dự án thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó, có các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp tư nhân tự tạo lập quỹ đất và đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước", ông Châu nói.

Theo báo Dân Trí