CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Những tháng ngày "không làm gì cả" nhìn qua thì tưởng sung sướng, nhưng thực chất, đó là khoảng thời gian bất ổn nhất của đời người…

 

Dậy sớm chỉ để... ngủ tiếp

Tôi quen một cậu bạn thú vị vô cùng.

Gần đây cậu khám phá trên báo được bí quyết của những người thành công, đó là "THỨC DẬY SỚM". Mừng như vớ được vàng, cậu dõng dạc tuyên bố: "Từ hôm nay hãy gọi tôi là Trung dậy sớm."

Sớm hôm sau, khi thức giấc, tay cầm điện thoại, đập vào mắt tôi là dòng tin nhắn tới: "Chào buổi sáng". Người nhắn không ai khác chính là cậu ấy. Màn hình hiển thị thời gian nhận tin là 4 giờ 35.

Tôi nhắn lại, hỏi cậu từ nãy giờ đã làm được những gì rồi. Gần 12 giờ trưa, cậu ấy mới hồi âm tin nhắn của tôi: "Vừa tỉnh. Sáng đặt báo thức lúc 4 giờ 30. Thức dậy, đánh răng, rửa mặt xong xuôi, không biết làm gì tiếp nên tôi lại đi ngủ".

Đọc xong, tôi cười chảy cả nước mắt. Dậy sớm mà không biết làm gì, vậy cố gắng dậy sớm để làm gì.

 

Người dậy sớm để nấu ăn sẽ thu nạp được nhiều dinh dưỡng.

Người dậy sớm để tập thể dục sẽ thu nạp được nhiều sức khoẻ.

Người dậy sớm để đọc sách sẽ thu nạp được nhiều tri thức.

Người dậy sớm mà không có mục tiêu cụ thể, sẽ thu nạp được khoảng thời gian nhàm chán và vô vị.

Bạn chỉ nên dậy sớm nếu bạn biết cách tận dụng khoảng thời gian ấy để làm công việc của bạn. Còn nếu không, tôi khuyên bạn nên quay lại giường, ngủ một giấc thật sâu, sau đó tỉnh dậy cũng vẫn chưa muộn. 

Bạn không thấy được giá trị của thời gian, vậy nên không lạ gì nếu bạn cho rằng mình là người dư dả về thời gian. Lãng phí thời gian một chút, với bạn không phải việc gì quá quan trọng.

Cậu bạn ở trên thường than nghèo kể khổ với tôi. Cậu thấy phiền lòng, vì đã làm nhiều năm nhưng không cống hiến được nhiều cho công ty.

Chúng tôi ít gặp nhau ngoài đời, nhưng chỉ từ câu chuyện dậy sớm, tôi biết không phải nghiễm nhiên cậu gặp phải chuyện như vậy.

Giá trị của một người cao hay thấp phụ thuộc vào cách người ấy quan niệm và sử dụng thời gian. Những người coi thường giá trị của thời gian, giá trị của họ trong tương lai sẽ bị người đời coi thường.

Những người tỉnh dậy mà không biết ngày hôm nay mình nên làm gì, họ đang âm thầm làm một việc duy nhất: Giết chết thời gian của chính họ. Sâu xa hơn, họ đang gián tiếp giết chết ý chí, nghị lực và sự nhiệt tình của họ với cuộc sống.

 

Đừng đốt...

Năm ngoái, tôi tham gia buổi tiệc họp mặt những người đồng nghiệp năm xưa. Thấm thoắt đã 10 năm kể từ lần cuối chúng tôi gặp nhau. Những người làm cùng với tôi năm nào, giờ đã trở thành trụ cột trong những công ty lớn.

Duy chỉ có một người không có mấy sự thay đổi. Người ấy cười, bảo mình vẫn giữ phong độ ổn định. Tiền lương người ấy có tăng, nhưng chậm hơn tốc độ tăng của những vật dụng xung quanh.

Tinh thần, sự nhiệt huyết của người ấy thì không sao bằng được những người trẻ. Tôi có cảm giác nếu có nơi nào nhận người ấy vào làm, người ấy sẽ mất ăn mất ngủ vì hạnh phúc mất mấy ngày.

Khi làm việc, người ấy có một quan điểm khá lạ, đó là đốt thời gian. Khi còn làm việc cùng nhau, tôi trông người ấy lúc nào cũng rảnh rỗi. Cùng một công việc, nếu tôi mất 3 tiếng để hoàn thành, người ấy chỉ mất có 2 tiếng, sau đấy đốt thời gian bằng cách ngồi chơi.

Mạng nội bộ ở công ty bị hạn chế. Ngoài truy cập mail, những việc khác như lướt web đọc báo hay chuyện trò tán gẫu trên các phần mềm ứng dụng chat đều không thể sử dụng được. Người ấy ra quán cà phê, dùng mail của công ty để đăng ký nhận tin từ các trang tạp chí lá cải, những mẩu chuyện ngắn… Lên công ty, người ấy mở mail, đọc tin đốt thời gian.

Nói đến đốt thời gian, người ấy có muôn vàn thủ thuật tinh vi. "Chăm chỉ" đốt thời gian liên tục, tôi cảm giác người ấy như đã du hành tới tương lai, rồi không may mắc kẹt ở đó, đành phải trầm ngâm ngắm nhìn những người đồng nghiệp xung quanh mình thăng tiến, còn bản thân chấp nhận bị trói trong "phong độ" ổn định thuở xưa.

Nếu để thời gian cứ thế trôi đi, thì thời gian sẽ âm thầm cuốn phăng đi tinh thần quyết tâm và chí tiến thủ của bạn. Vì vậy, nếu như bạn chưa có ý định buông xuôi, xin đừng lãng phí khoảng thời gian quý báu của mình cho những việc vô nghĩa.

 

An nhàn tuổi trẻ = Đào hố chôn tương lai

Những người xem nhẹ giá trị của thời gian, tất nhiên không thể nào đánh giá cao sự nhiệm màu của cuộc sống. Họ chưa một lần tận dụng tốt được khoảng thời gian của mình, bởi vậy họ không tin thời gian có thể cải biến được vận mệnh.

Cũng giống việc họ chưa một lần thực sự cố gắng, bởi vậy họ không tin sự cố gắng ấy có thể mang về cho họ một kết quả tốt. Tầm nhìn dần bị che mờ bởi ảo ảnh của sự an nhàn và hưởng thụ, để rồi họ tự đào thải bản thân khỏi dòng chảy phát triển của xã hội.

Sự an nhàn hưởng thụ kiểu này chỉ mang tính tạm thời, chúng sẽ tan biến rất nhanh. Nếu chúng ta không chuẩn bị gì, mải mê tận hưởng sự nhàn nhã, đến khi gặp một chút áp lực, sẽ không biết xoay sở ra làm sao, cuối cùng đành để bản thân chìm trong những tiếng kêu ca, than khóc.

Những tháng ngày "không làm gì cả" nhìn qua thì tưởng sung sướng, nhưng thực chất, đó là khoảng thời gian bất ổn nhất của đời người. Những người hay lãng phí thời gian thường là những người không nhìn ra nổi tương lai của mình. Họ đang mải tận hưởng một cuộc sống vô lo vô nghĩ, không mảy may phòng bị trước những mối hiểm sự nghiệp nguy rình rập.

Phải chăng những người này không hề nhận ra, họ đang tự đào hố chôn tương lai bằng cách hào phóng đầu tư những "đồng tiền khan hiếm" mang tên "thời gian" để đổi lấy sự an nhàn sung sướng nhất thời?

Nếu thời gian là thứ đáng giá nhất, khi ấy phí phạm thời gian có thể coi là hành động ngông cuồng và tàn ác nhất. Đừng tốn thời gian để làm những việc vô ích, bởi khi ấy bạn sẽ không còn thời gian để làm bất cứ việc gì hữu ích.

Thay vì lãng phí thời gian, xin hãy tận dụng chúng vào những việc bạn cho rằng có ý nghĩa. Tôi đã làm được, tại sao bạn lại không?

Nguồn Cafe Biz