CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm qua đã chứng kiến sự xuất hiện của các dự án căn hộ thông minh, báo hiệu một khuynh hướng mới trong phát triển nhà ở. Một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng gay gắt đang diễn ra giữa các chủ đầu tư để xác định ai là người dẫn đầu trong cuộc chơi mới.

Từ căn hộ thông minh đến tòa nhà thông minh

Vài năm trở lại đây, khi thế giới đang dần tiến vào kỷ nguyên Internet vạn vật (Internet of Things – IoTs), nhà thông minh đã trở thành một xu hướng phát triển và là một tiêu chuẩn của nhà ở hiện đại.

Làn sóng phát triển nhà thông minh lan rộng và mạnh mẽ đến mức Statista – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức, dự đoán giá trị thị trường nhà thông minh sẽ đạt tới 43 tỷ USD vào năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2014.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế phát triển chung. Những năm qua, một số chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư các dự án nhà thông minh và nhận được sự đón nhận tích cực của thị trường.

Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là thị trường Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn “làm quen” với nhà thông minh. Do đó, sự thông minh của nhà ở vẫn đang ở một mức độ khá khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án vẫn chưa sở hữu được hệ thống ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng bộ, thật sự tự động hóa và an toàn.

Một khía cạnh khác cũng cần phải thấy là nhà thông minh tại Việt Nam mới chỉ được áp dụng cho một số loại hình như biệt thự, liền kề và dòng sản phẩm chung cư hạng sang, cao cấp. Còn các phân khúc thấp hơn thì hầu như chưa nhận được sự đầu tư cần thiết bởi yếu tố chi phí và độ khó của việc phát triển.

Khoảng trống trong phát triển nhà thông minh càng trở nên lớn hơn nữa khi nhìn ở cấp độ tòa nhà. Ở cấp độ này, có thể nói Việt Nam hiện nay chưa có một tòa nhà chung cư nào thực sự thông minh theo đúng nghĩa của nó.

Nguyên nhân của thực trạng trên là phát triển tòa nhà thông minh thực sự rất khó, không chỉ đòi hỏi chi phí tương đối lớn mà còn đòi hỏi sự nghiêm túc, tận tâm, chuyên nghiệp và tầm nhìn của chủ đầu tư. Bởi tiên phong trong phát triển một điều mới mẻ luôn chứa đựng đầy rủi ro và không phải ai cũng sẵn sàng để làm việc đó.

Dù vậy, phát triển tòa nhà thông minh dường như vẫn là một xu thế không thể đảo ngược. Không chỉ vì các thiết bị ngày càng trở nên thông minh hơn mà còn do nhu cầu và yêu cầu của người sử dụng đã hoàn toàn khác trước.

Ngày nay, nhịp sống công nghiệp khiến cư dân đô thị bị rút ngắn thời gian rảnh rỗi. Điều này làm phát sinh nhu cầu và yêu cầu các tòa nhà phải được vận hành một cách tự động, chuyên nghiệp để tiết giảm thời gian và công sức cho người sử dụng.

 

 

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Theo tiêu chuẩn của Singapore, một tòa nhà thông minh phải đáp ứng được 3 điều kiện: một là có hệ thống kiểm soát tự động và hiện đại, hai là có hệ thống mạng lưới đảm bảo sự liên lạc thông tin giữa các khu vực trong toà nhà và ba là có thiết bị thông tin để đảm bảo liên lạc với bên ngoài. Ba điều kiện này sẽ giúp tòa nhà thông minh đạt được các yếu tố: an toàn, thuận tiện, riêng tư, nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm.

Nhìn vào các điều kiện của một tòa nhà thông minh, có thể hình dung được mức độ đầu tư là không hề nhỏ. Có thể nói đó là một sự đầu tư toàn diện và chất lượng, từ khâu thiết kế, lựa chọn thiết bị đến lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng… Vì thế, người dám đầu tư tòa nhà thông minh cũng là một người “chịu chơi”.

Các máy móc, thiết bị này hợp thành một hệ thống quản lý toàn diện mọi hoạt động của tòa nhà, từ đảm bảo an toàn cháy nổ, cấp điện nước, kiểm soát khí thải cho đến việc liên lạc giữa ban quản lý với cư dân, giữa cư dân với cư dân và giữa cư dân với bên ngoài. Tất cả đều được vận hành bằng hệ thống máy tính với kết nối internet do một đội ngũ kỹ sư trình độ cao thực hiện.

Theo Thitruongtaichinh