CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, tiền không chỉ đổ vào bất động sản theo kênh trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua vay xây lắp và vay tiêu dùng.
Thông tin tại diễn đàn bất động sản 2018, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 17/5, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tiền vẫn đang đổ nhiều vào thị trường bất động sản.
 
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản của Việt Nam đến 31/12/2017 là khoảng 471.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 7,2% tổng dư nợ của nền kinh tế), tăng 8,3% so với đầu năm. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm khoảng 15,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.
 
 

Ông Lực cho biết tiền không chỉ đổ vào bất động sản theo kênh trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua vay xây lắp và vay tiêu dùng. Trong nhóm tín dụng tiêu dùng hết năm 2017 đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 17% tổng dư nợ), thì có tới 50% dành cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà.

Cho vay xây lắp cũng như các hình thức vay liên quan đến bất động sản cũng chiếm khoảng 10% dư nợ nền kinh tế.

Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng cho bất động sản không ngừng tăng lên qua các năm gần đây. Nếu năm 2011, tổng dư nợ vào khoảng 204.000 tỷ đồng, năm 2013 đạt 262.000 tỷ thì đến năm 2016 đã là 435.000 tỷ đồng và năm 2017 là 471.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Lực nói rằng cũng phải kể đến nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản, bao gồm cả nguồn vốn trực tiếp với khoảng 12 tỷ USD và gián tiếp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hết 4 tháng đầu năm 2018, FDI đăng ký đạt 807,5 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản, chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký. Trước đó, năm 2017, FDI đăng ký 3,05 tỷ USD vào lĩnh vực này.

Tín dụng đổ vào bất động sản cũng có thể kể đến việc số lượng doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực này tăng mạnh. Năm 2017 đã có 5.100 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới ra đời. Ngoài ra còn có tới 16.000 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới.

Riêng 4 tháng đầu năm 2018, đã có 2.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và 5.700 doanh nghiệp xây dựng mới ra đời. Vốn điều lệ của mỗi doanh nghiệp thành lập mới tăng từ khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp năm ngoái lên 69 tỷ đồng/doanh nghiệp đầu năm nay.

Nguồn vốn đổ vào bất động sản nhiều, nhưng ông Lực lại cảnh báo đang phụ thuộc quá nhiều vào kênh ngân hàng trong khi nguồn này thường không bền vững, lãi suất cao, ngắn hạn. Ông khuyến cáo cần phải đa dạng hóa nguồn vốn đổ vào bất động sản và đề xuất Chính phủ sớm cho phép xây dựng các quỹ tín thác, để có kênh vốn hiệu quả và an toàn hơn.

“Quỹ tín thác rất tốt nhưng chưa phát triển. Quỹ này vừa thanh khoản, vừa có thể gom vốn. Nhưng chúng ta chưa có. Doanh nghiệp hiện nay chủ yếu phụ thuộc dòng vốn ngân hàng”, ông Lực nói.

Kênh huy động vốn cho bất động sản qua thị trường chứng khoán cũng được lưu ý. Về lâu dài, đây sẽ là nguồn vốn tối ưu cho các doanh nghiệp.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đưa con số 58 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang làm ăn rất tốt. Doanh thu năm 2017 của nhóm doanh nghiệp này tăng 220%, lợi nhuận tăng 38%.

“Đây là con số tốt nhất trong nhóm các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hiện nay. Về lâu về dài, các doanh nghiệp bất động sản cần tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán theo đúng quy luật của thị trường”, ông nói.

Theo Zing