CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Năm 1996 - 2003, người dân Thủ Thiêm nhận bồi thường 150.000 - 200.000 đồng mỗi m2 đất nông nghiệp, đến nay cột giá vọt lên gần 210 triệu đồng mỗi m2.

Trong hai thập niên qua, giá đất Thủ Thiêm chưa bao giờ là đề tài bình lặng. Với người dân bị giải tỏa, từ những hộ gia đình đã nhận tiền bồi thường ra đi hoặc tái định cư, tạm cư cho đến những trường hợp trường kỳ bám đất, giữ nhà, tất cả đều trở thành chứng nhân cho những cơn bão giá bất động sản liên tục lướt qua bán đảo có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn.

Khu đô thị Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM), đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Được Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Được quy hoạch 5 khu chính, khu đô thị này có khu vực lõi trung tâm, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía Nam. Để đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm, TP HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

 

Giai đoạn 1996 - 2008 đất Thủ Thiêm 150.000 đồng mỗi m2

Đây là giai đoạn bão táp trong quá trình định hình khu đô thị này. Bởi lẽ, việc giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân di dời đi cùng những trường hợp kiên quyết bám trụ lại đã kéo theo nhiều vấn đề phát sinh: hiệp thương giá, đo vẽ bản đồ, khiếu nại, khiếu kiện, cưỡng chế, di dời, tái định cư…

Năm 2003 nhiều người dân ở phường An Lợi Đông được thông báo bồi thường đất nông nghiệp với giá 150.000 - 200.000 đồng mỗi m2. Trong khi đó, đất ở được bồi thường thấp nhất 1,95 triệu đồng mỗi m2 và cao nhất trong những năm kế tiếp khoảng 18 triệu đồng mỗi m2. Tùy vào vị trí và tuyến đường, đất ở tại Thủ Thiêm ghi nhận giá thị trường vào khoảng 25 triệu đồng mỗi m2.

Tháng 10/2008, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với sự hiện diện của người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Nguyễn Minh Triết có buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Tại buổi tiếp xúc cử tri này, ông Triết nhận hàng loạt chất vấn của người dân về vấn đề khiếu kiện tại Thủ Thiêm.

Khi đó, cử tri bức xúc cho biết, giá bồi thường đất tại Thủ Thiêm quá thấp, nhiều gia đình không chấp nhận mức bồi thường này nên đã kiên trì khiếu kiện ròng rã nhiều năm.

 

Giai đoạn 2009-2018 giá đất Thủ Thiêm tăng hàng trăm lần

Trải qua một thập niên bồi thường giải phóng mặt bằng với giá đất rất thấp, năm 2009-2018 khu đô thị Thủ Thiêm bước vào giai đoạn làm hạ tầng, thu hút và kêu gọi đầu tư, đẩy giá đất tại đây tăng chóng mặt.

Tháng 9/2015, trong một báo cáo về Thủ Thiêm do CBRE Việt Nam công bố, giá đất bình quân tại Thủ Thiêm, quận 2 đạt ở mức cao, ghi nhận hơn 3.000 USD một m2 (tương đương 68 triệu đồng mỗi m2). Để tiếp cận quỹ đất trên bán đảo này, doanh nghiệp phải trả ngay chi phí đất chứ không được gia hạn. Theo đánh giá của CBRE, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án tại Thủ Thiêm trong tương lai vào khoảng 5,1 triệu m2 sàn.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, theo báo cáo diễn biến giá đất tại Thủ Thiêm do Công ty TNHH Gachvang công bố, đỉnh giá đất của khu đô thị này đạt gần 170 triệu đồng mỗi m2. Trong đó, dẫn đầu là đất mặt tiền đường Trần Não, phường An Lợi Đông, từ đoạn cắt đường Mai Chí Thọ đi xuyên vào tâm đô thị này giữa tháng 11 ghi nhận 169,7 triệu đồng mỗi m2. Trong suốt năm 2017, giá đất tuyến đường này biến động mạnh mẽ nhất, biên độ tăng đạt 121,55%.

Diễn biến mới nhất là cuối tháng 4/2018, đỉnh giá đất của Thủ Thiêm tiến gần đến ngưỡng 210 triệu đồng mỗi m2. Đất mặt tiền đường Trần Não đi xuyên vào tâm đô thị này, ghi nhận 207,15 triệu đồng mỗi m2. So với đỉnh sốt đất hồi tháng 4/2017, giá đất tuyến đường này đã đội thêm 26,44 triệu đồng mỗi m2, tăng 20%. Theo sau là tuyến đường Lương Định Của, ghi nhận 177,5 triệu đồng mỗi m2. Tuyến phố Mai Chí Thọ xếp thứ ba, ghi nhận giá chào bán 156,4 triệu đồng mỗi m2.

Báo cáo này cũng cập nhật biến động giá đất của 5 phường thuộc khu quy hoạch Thủ Thiêm. Các phường này có biến động tăng giá đất mạnh mẽ: Bình Khánh (38,19%), Thủ Thiêm (34,59%), An Khánh (31,47%), An Lợi Đông (22,88%), Bình An (13,1%).

Mặc dù những báo cáo đỉnh giá đất Thủ Thiêm liên tục tăng lên mỗi năm, đến ngày 9/5, khi tổ đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân Thủ Thiêm, những mảnh ghép của bức tranh giá đất tại khu đô thị này tiếp tục xuất hiện tình tiết mới.

Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho biết vừa liên hệ phòng kinh doanh của một dự án đang xây dựng trên trục đại lộ Mai Chí Thọ, tại khu vực nhà cũ của bà, để hỏi giá và được báo giá đất tại đây 350 triệu đồng mỗi m2. Đắt đỏ là thế nhưng hiện đã hết hàng, đến năm sau mới có một số căn nữa bán giá 23 tỷ đồng một căn.

Thống kê của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, đến tháng 5/2018, giá biệt thự tại khu đô thị Thủ Thiêm ghi nhận bình quân 8.612 USD mỗi m2 (tương đương nhà liền thổ có giá 196 triệu đồng mỗi m2). Nhà phố thương mại (shophouse) giá trần đạt 9.653 USD mỗi m2 (gần 220 triệu đồng). Riêng dòng biệt thự diện tích lớn 1.000 m2 có giá 150 tỷ đồng một căn. Giá shophouse Thủ Thiêm đang được chào bán khoảng 70 tỷ đồng một căn.

Mặc dù giá đất Thủ Thiêm đang không ngừng tăng lên, khu tái định cư nằm giữa lòng khu đô thị này lâm cảnh vườn không nhà trống, đấu giá chẳng ai mua. TP HCM mới đây tổ chức bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư nằm trong chương trình 12.500 hộ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) có vị trí nằm dọc đại lộ Mai Chí Thọ, tuyến đường đẹp nhất bán đảo này.

Giá khởi điểm của toàn bộ 3.790 căn hộ này là hơn 9.000 tỷ đồng, tức bình quân 2,37 tỷ đồng một căn. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM cho biết đến nay vẫn chưa có ai mua những căn hộ đang tiến hành đấu giá.

Theo Người Đồng Hành