CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Việc giảm điểm mạnh vào nửa cuối tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 với nhiều cổ phiếu "trắng bên mua" khiến nhiều người lại nghĩ về "hiệu ứng bầy cừu" trên thị trường chứng khoán.

Hiệu ứng bầy cừu mô tả hiện tượng nhiều người cùng thực hiện một hành động gì đó và khiến nhiều người khác "a dua" theo, tức dễ dàng bị tác động bởi số đông. Đặc tính ấy dễ bị chi phối bởi một quyền lực nào đó và tâm lý đám đông rất dễ dấn đến mù quáng khiến người ta bị rơi vào những trò lừa bịp hoặc gặp thất bại.

Hiệu ứng bầy cừu trên thị trường chứng khoán đã được thời báo Wall Street Journal nêu ra từ năm 1984. Phần lớn các thị trường chứng khoán trên thế giới đều phải chấp nhận một thực tế là các lệnh mua, bán có xu thế bị cuốn vào đám đông theo kiểu "bầy cừu". Với tâm lý ai đó có thể biếu điều mà mình chưa hoặc không biết, nên khi thấy các lệnh mua bán lớn liên tiếp trên thị trường hoặc ở một mã cổ phiếu, nhà đầu tư cá nhân thường có hành vi mua bán chạy theo.

Và khi nhiều nhà đầu tư có hành vi giống nhau thì lượng giao dịch càng gia tăng theo cùng một hướng, càng thúc đẩy những nhà đầu tư khác mua bán theo. Hiện tượng trắng bên mua hoặc trắng bên bán trong một thời điểm ở một hay nhiều mã cổ phiếu là minh chứng rõ nhất cho hành vi này của nhà đầu tư.

Tận dụng hiệu ứng này, các nhà làm thị trường, các tổ chức đầu tư lớn và nhất là các "đội lái" dễ dàng hướng đa số nhà đầu tư cá nhân mua bán theo xu hướng giao dịch của mình. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đã tăng cao như giai đoạn vừa qua, tỷ lệ marin đã căng cứng, thì nếu có bất kỳ thông tin tiêu cực nào xuất hiện hoặc thậm chí thiếu vắng thông tin, chỉ cần một vài giao dịch bán với giá trị lớn xuất hiện sẽ kéo theo hàng loạt lệnh chốt lời bán ra của các nhà đầu tư khác, ban đầu là ở một số mã cổ phiếu và sau đó sẽ lan ra toàn thị trường, đẩy các chỉ số chứng khoán giảm mạnh.

Đặc biệt, các nhà đầu tư Việt Nam thường chịu ảnh hưởng tâm lý bởi giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Xu thế bán ròng chủ đạo của khối ngoại từ tháng 3 đến nay đã tác động đáng kể lên hành vi giao dịch của các nhà đầu tư trong nước, và chắc chắn không ít nhà đầu tư nội đã quyết định đầu tư theo xu hướng bán ròng của khối ngoại, khi mà thị trường liên tiếp vượt đỉnh cũ.

Với việc nhà đầu tư riêng lẻ dựa vào của các nhà đầu tư khác để hành động, khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra thì trong nhiều trường hợp, thất bại là khó tránh khỏi. Tâm lý đám đông cũng ồ ạt chạy theo một hướng và xuất hiện trong 2 trường hợp, hoặc là các nhà đầu tư quá hưng phấn, hoặc là các nhà đầu tư quá sợ hãi. Cả hai trường hợp này đều nguy hiểm như nhau. Quá hưng phấn sẽ dễ tạo ra giá ảo, không thực chất, còn quá sợ hãi thì bán tháo để cắt lỗ, thậm chí nhiều khi cắt lỗ cả nhưng mã cổ phiếu tốt, có cơ hội hồi phục.

Chính vì vậy, nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett từng chia sẻ: "Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam". Nhưng cách đầu tư như vậy chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn như Warren Buffett. Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là đầu cơ và dễ dàng chạy theo những biến động dù nhỏ nhất của thị trường.

Nhà phân tích kỹ thuật Marty Zweig (Mỹ) đã đưa ra chiến lược đầu tư: "Đừng bao giờ chống lại xu thế thị trường. Xu thế thị trường là bạn của bạn". Rõ ràng trong bối cảnh nhiều người mua hoặc nhiều người bán ở cùng một thời điểm thì cổ phiếu có tốt có thể khó tránh khỏi áp lực giảm trong ngắn hạn. Dù vậy, khi thị trường có những biến động mạnh, để không bị cuốn vào cơn hoảng loạn, nhà đầu tư phải tự tìm lối đi riêng, tránh phụ thuộc vào tâm lý và hành vi của đám đông để hạn chế thiệt hại.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn