CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận lại chất lượng hiệu quả chứ không chỉ nhìn vào những con số "nhảy múa" trên giấy.

Vốn FDI bất động sản cần có một cơ cấu hợp lý

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực “hút” vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3, chỉ sau công nghiệp chế tạo và bán buôn, bán lẻ. Cụ thể, trong quý I/2018, nhà đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 486 triệu USD (khoảng 11.000 tỷ đồng), chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong năm 2017, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký.

Dự báo, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ nhiều chính sách cởi mở cũng như tiềm năng du lịch của nước ta. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự nhìn nhận lại chất lượng hiệu quả của dòng vốn, chứ không chỉ nhìn vào vốn đăng ký trên giấy.

Trao đổi với phóng viên Reatimes, TS. Đinh Thế Hiển nhận định: “Đôi khi có những nguồn vốn "đầu voi đuôi chuột", có nghĩa là vốn vào nghe rầm rộ nhưng cuối cùng số tiền bỏ vào thực tế rất ít mà dùng vốn vay của ngân hàng thì lại tạo ra gánh nặng. Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nào cũng đều tốt nhưng phải xem nó đi vào dự án như thế nào thì mới thấy được hiệu quả nhiều hay ít”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thu hút vốn FDI là tốt nhưng nếu vốn FDI đổ quá nhiều vào các sản phẩm bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng thì nó chỉ làm nóng thị trường, làm dư nguồn cung phân khúc đó chứ không tạo ra lực đẩy cho kinh tế, xã hội.

Một số chuyên gia khác khuyến nghị, nếu vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản phục vụ các nhu cầu bức thiết của xã hội như bất động sản dành cho người thu nhập thấp, trung bình; bất động sản công nghiệp thì rất tốt, nên khuyến khích mạnh việc thu hút vốn vào phân khúc này.

Làm gì để không “giẫm” phải vết xe đổ của dự án FDI “đắp chiếu”?

Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới cho thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc, đưa thị trường Việt Nam đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực. Và để lựa chọn được nguồn vốn FDI chất lượng, việc thẩm định kỹ càng tiềm lực của nhà đầu tư trước khi bàn giao dự án cần được chú trọng hàng đầu.

Một góc khuất khác từng xảy ra với dự án FDI bất động sản trong quá khứ, đó là việc nhiều dự án rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, rồi “chết yểu”. Đơn cử như dự án khu đô thị  Bình Quới - Thanh Đa có diện tích quy hoạch 427ha, quy mô dân số theo quy hoạch là 45.000 dân, được xây dựng theo tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, là trung tâm thương mại, trung tâm công nghệ mới sau 1/4 thế kỷ vẫn còn nằm trên giấy và đổi chủ. Hay siêu dự án 500 triệu USD của Tập đoàn Berjaya đầu tư Khu đô thị mới Thạch Bàn – Hà Nội (Ha Noi Garden City) quy mô 32ha cũng “án binh bất động” gần 10 năm trời.

 

Cái “chết lâm sàng” của những dự án bất động sản này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến  mặt đô thị, mà còn tạo sức ỳ cho phát triển kinh tế địa phương, trở thành rào cản cho các nhà đầu tư khác.

Theo các chuyên gia, trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng cho các dự án, các cơ quan quản lý cần xem xét tính khả thi của dự án, kiểm tra năng lực tài chính, sức khỏe thương hiệu của các nhà đầu tư. Với các địa phương, không nên chỉ lo hút vốn mà quên mất các yếu tố thực lực của nhà đầu tư.

TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ: “Các địa phương nên xem lại cách giao dự án. Ví dụ như Quảng Nam có kinh nghiệm quyết liệt là sau này họ giao dự án trong bao lâu thì đặt cọc ký quỹ. Nếu trong thời gian quy định không triển triển khai thì họ vừa thu hồi vừa lấy luôn tiền ký quỹ. Như vậy sẽ tránh được tình trạng "đắp chiếu" dự án bất động sản”.

Với sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo, nguồn vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có sự nhìn nhận chính xác, có những đánh giá đầy đủ để nguồn vốn phát huy hiệu quả và đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển của ngành, chúng ta cần có những thống kê một cách đầy đủ nhất về cơ cấu của nguồn vốn, từ đó có sự điều chỉnh cả về mặt chính sách thu hút vốn, để FDI thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Reatimes