Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho hay, trong những năm tới phân khúc nhà ở cao cấp sẽ rất dồi dào. Nghiên cứu cho thấy, tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá bán nhà ở phân khúc này có sự sụt giảm nhẹ, tuy nhiên trong những năm tới sẽ có sự tăng trưởng ổn định về giá bán.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong tương lai việc khai thác quỹ đất đầu tư cho BĐS tại những thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội sẽ vô cùng khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Trong khi nhu cầu nhà ở bình dân tại những địa phương này luôn ở mức khá cao, quỹ đất lại không rẻ nên trong 3-5 năm tới phân khúc này sẽ khan hiếm đến mức đáng báo động.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng, ở các thành phố lớn như Tp.HCM hay Hà Nội giá đất ngày một tăng theo tốc độ phát triển của nền kinh tế và đô thị hoá. Các chính quyền địa phương đang dành một quỹ đất khá lớn tại khu vực trung tâm để quy hoạch đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, vì vậy đất dành để phát triển đô thị đang bị thu hẹp và có xu hướng dịch chuyển ra các vùng ven.
Chuyên gia nhận định 3-5 năm tới nhà ở giá rẻ ở Việt Nam sẽ khan hiếm |
Nhưng chi phí đền bù giải toả, tái định cư đang làm cho các nhà đầu tư BĐS "chùn tay". Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhấn mạnh, đó là lý do vì sao ông khẳng định rằng phân khúc nhà ở giá rẻ tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới sẽ có sự khan hiếm và tạo ra sức cạnh tranh cực lớn trên thị trường. Thời gian qua, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng nhắm đến phân khúc này, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng săn được quỹ đất tốt, thuận tiện về giao thông để phát triển dự án.
Theo ông Neil MacGregor, xu hướng đầu tư nhà ở tại Tp.HCM trong vòng 2 năm trở lại đây cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đang chuyển dịch đến một số quận - huyện ngoại thành, giáp ranh với các địa phương lân cận. Nhiều dự án nhà ở hợp túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng) cũng đã có mặt trên thị trường, tuy nhiên do nằm ở vị trí khá xa trung tâm thành phố, giao thông kết nối không có, tiện ích nội ngoại khu không được đầu tư nên sức mua của người dân còn khá thấp.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng thừa nhận, hệ thống chính sách về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào thực tế. Những doanh nghiệp lớn vẫn đang là các doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng thị trường.
Song, thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp. Việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để làm được nhà ở giá rẻ, các chủ đầu tư đang rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương bên cạnh những chính sách hiện hữu. Trong đó, các chủ đầu tư cần nhất là sự hợp tác với các đơn vị chính quyền trong việc thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng và tổ chức tái định cư.
Bởi từ khi có chủ trương giao đất đến khi được nhận đất sạch, chủ đầu tư có thể mất đến 2-4 năm. Như vậy, cơ hội thị trường sẽ qua đi và khả năng sinh lợi cũng không còn.