CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Trên con đường phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực, Đà Nẵng đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút tối đa các nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; qua đó thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) dân doanh.

Cầu vượt nút giao thông khác mức ngã ba Huế là một trong những công trình mang lại hiệu quả cao.
 

 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tính đến nay, Đà Nẵng có 17.889 DN dân doanh, với tổng vốn điều lệ đăng ký gần 89.000 tỷ đồng, trong đó có 254 dự án đầu tư trong nước. 8 tháng đầu năm 2016, sở này cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 3.137 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng, tăng 39,2% về số lượng DN và 32,1% về vốn so với cùng kỳ.
 
Thành phố đã thu hút, giải quyết các thủ tục đầu tư cho 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên đến trên 6.000 tỷ đồng; trong đó cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án là Dragon City Park (khoảng 655 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư Hòa Khánh mở rộng (hơn 140 tỷ đồng) và dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm (hơn 605 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
 
Sở cũng tham mưu cho UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ đồng là dự án Bệnh viện Vinmec vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng (của Tập đoàn Vingroup) và dự án khách sạn 84-88 Bạch Đằng gần 145 tỷ đồng (của Công ty CP Xây dựng 79); Dự án Khu du lịch tổng hợp Làng Vân Vingroup có vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; Dự án Khu nhà thấp tầng công viên và văn phòng cho thuê trên 535 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Quốc Bảo.  
 
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố, Đà Nẵng đang thiếu những DN tư nhân lớn để vươn ra thị trường quốc tế. Các DN Đà Nẵng đa phần nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ nên hạn chế về huy động vốn, lao động, công nghệ, quản trị, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin, pháp lý...
 
Do vậy, vấn đề tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực này là cấp thiết và rất cần sự hỗ trợ kịp thời, thực chất, hiệu quả từ phía chính quyền. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố cho rằng: Vẫn còn những rào cản về thể chế, tác động đến việc quyết định đầu tư của các DN dân doanh, đặc biệt là các DN tư nhân. Các DN tư nhân chưa được khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn…
 
Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng là Nhà nước cần phải thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực đầu tư các dự án, hạng mục công cộng, tăng đầu tư từ khu vực tư nhân và dân doanh. Điều đó sẽ làm giảm áp lực chi ngân sách.
 
Một điều dễ nhận thấy là xu hướng góp vốn và chấp nhận chia sẻ lợi ích, cũng như rủi ro với Nhà nước trong các dự án đang được các DN dân doanh áp dụng, giúp giải quyết vấn đề về vốn, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, thâm hụt ngân sách Nhà nước hiện nay.

 

Có thể nói, DN dân doanh luôn là lực lượng đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật. Nguồn vốn xuất phát từ đây có vai trò hữu hiệu hỗ trợ cho sự định hướng điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Do đó, từ góc độ huy động và sử dụng các nguồn vốn tư nhân, khu vực kinh tế này được xem là động lực góp phần làm tăng trưởng kinh tế địa phương.
 
 
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, so với khu vực có vốn  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực dân doanh góp trên 80% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế thành phố, trên 75% giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực này tạo ra số việc làm rất ấn tượng, góp phần không nhỏ tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo việc làm mới giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp trong thời gian qua.

 

Theo báo Đà Nẵng