BĐS giải trí là một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia thử sức.
Cần doanh nghiệp đi tiên phong
Giữa tháng 6/2016, Tập đoàn Empire (tiền thân là Tập đoàn Thành Đô) đã khiến thị trường sửng sốt khi tung ra siêu dự án Cocobay Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Empire được cho là đã mang đến một “làn gió mới” cho thị trường BĐS Đà Nẵng khi tung ra một mô hình BĐS đậm chất giải trí.
Theo tìm hiểu của phóng viên, BĐS giải trí đã hình thành trong lòng các đô thị lớn hoặc nằm ở rìa các TP. Điển hình như ở Tp.HCM có các dự án giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên, xa hơn một chút có Đại Nam, còn tại Hà Nội có Thiên đường Bảo Sơn… Đây là những khu vui chơi giải trí bước đầu đã có những thành công nhất định trong việc kết hợp những giá trị dân gian, cảnh quan và một số công nghệ giải trí hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, các mô hình giải trí này hiện vẫn còn nhiều hạn chế do chủ đầu tư chưa xác định rõ được phân khúc thị trường nên phát triển theo kiểu “bách hóa”, làm giảm tính hấp dẫn của dự án.
Cơ hội cho các nhà đầu tư thử sức
Theo các chuyên gia BĐS, nguyên nhân khiến cho lĩnh vực đầu tư BĐS giải trí chưa thu hút được các nhà đầu tư, đầu tiên phải kể đến lý do chính sách thu hút đầu tư chưa được đồng bộ, thiếu những chính sách cụ thể đối với mảng này, đặc biệt với những hình thức giải trí được xem là nhạy cảm như casino, cá cược gắn với những cuộc thi thể thao trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, một số mô hình BĐS vui chơi giải trí mới chỉ được phát triển rải rác tại hai đầu Nam - Bắc, trong khi miền Trung là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình này lại ít được quan tâm đầu tư.
Một chuyên gia cho biết, tại miền Trung, địa phương nào cũng có lợi thế về thiên nhiên như bờ biển đẹp, nhu cầu vui chơi giải trí rất cao. Nhà đầu tư có tầm nhìn sẽ thấy được những cơ hội đầu tư rất lớn vào BĐS công nghiệp giải trí tại khu vực này.
Chuyên gia này cũng tiết lộ, để đánh thức được tiềm năng du lịch giải trí miền Trung, cần phải khắc phục những điểm hạn chế đang tồn tại. Thứ nhất là hạ tầng, hiện miền Trung mới chỉ có 2 sân bay quốc tế là sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thứ hai, du lịch là một lĩnh vực đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, từ chất lượng quản lý đến kỹ năng giao tiếp, điều này liên quan rất nhiều đến việc phát triển nguồn nhân lực. Thứ ba, cần phải xây dựng được chính sách ổn định đối với lĩnh vực này. Nếu khắc phục được những hạn chế này, BĐS giải trí sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, BĐS giải trí là lĩnh vực khá khá kén nhà đầu tư, do đó, để phát triển và kích cầu, Nhà nước cần xem xét lại vấn đề quy hoạch, quan tâm và có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với những nhà đầu tư muốn phát triển BĐS giải trí, đặc biệt là giải trí gắn liền với thiên nhiên, môi trường. Đồng thời cần kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc tạo ra những khu riêng, quy hoạch hoàn chỉnh và bài bản, đầu tư xây dựng hạ tầng về đường, điện, nước... “BĐS giải trí là một loại hình BĐS chuyên biệt. Với nguồn cầu ngày càng lớn, nguồn cung hạn hẹp như hiện nay thì đây thực sự là một cơ hội lớn, tiềm năng cho các nhà đầu tư tham gia thử sức”, ông Quang khẳng định.