CÔNG TY CP XÂY DỰNG & ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN QUỐC

"KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN - XÂY DỰNG GIÁ TRỊ THỰC"

banner left banner right
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, tuy nhiên những động thái nhanh chóng của Chính phủ đã giúp thị trường đang trên đà phục hồi, chờ đón những cơ hội mới.

Toàn cảnh Diễn đàn bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường

 

Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để "khơi thông" thị trường, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cấp bách, tạo cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

 

Chính sách đã “dễ thở” hơn

Theo đó, ông Sinh cho biết, về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đã có những điểm mới trong Luật Xây dựng sửa đổi. Đơn cử như miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

Hay bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.

Cùng với đó, ông Sinh cho biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020.

Tuy nhiên, để tận dụng được "cơ hội mới trong thời đại mới", TS. Vũ Tiến Lộc - VCCI cho biết, điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có. Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng các chính sách tiền tệ cần linh hoạt. Với chính sách tài khoá, phải nới mở tạo thuận lợi hơn nữa để giải quyết vấn đề thanh khoản, đầu tư của các doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Gamuda Land HCM cho biết, những chính sách đầu tư nước ngoài và các hoạt động M&A sôi động đang mở ra nhiều cơ hội. “So với các nước khác, hoạt động tại Việt Nam có nhiều tiềm năng hơn sau đại dịch COVID-19” - ông Dennis Ng Teck Yow nói.

Cơ hội mới

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, trong thời kỳ "bình thường mới" của quý II/2020, nguồn cung bất động sản có sự sụt giảm đáng kể so với quý I, tuy nhiên lượng hấp thụ có sự gia tăng đang là một tín hiệu rất tích cực.

Về bất động sản công nghiệp, đây là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư Mỹ, hay tổ chức từ Hong Kong. Các nhà đầu tư này đang tìm kiếm những quỹ đất sạch, hay các nhà xưởng có sẵn để bước đầu tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Dù ảnh hưởng của COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường từ lâu, hiểu và trải qua các chu kỳ của thị trường vẫn có những sự tin tưởng. Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư so với các nước trong khu vực.

 

Ông Vũ Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ khách sạn,Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch:

Trong giai đoạn này, những dấu hiệu khả quan đáng để kỳ vọng của thị trường và việc kiểm soát đại dịch, tận dụng sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, đây cũng là bước thử với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quỹ đất hạn chế hoặc doanh nghiệp không có thể mạnh về tài chính.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:

Thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, khi có liên quan hơn 10 luật khác nhau từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí…. Kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với thay đổi chính sách.

Các doanh nghiệp mong chờ chính sách, mong chờ được tháo gỡ. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ thì lại nhiều khi vấp phải những quy định mới thành ra lại gây khó khăn. Có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp lại phải chạy trước để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực.

 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu, xây dựng Việt Nam:

Về Luật Quy hoạch Quốc hội vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp "bó tay".

Luật Đất Đai và Luật Quy hoạch, các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan hai luật này. Do đó, kiến nghị khi xây dựng, sửa đổi luật có mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn. Về Luật Xây dựng, dù có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng bên cạnh đó còn nhiều thủ tục phiền hà làm chậm tiến trình phát triển.

 
Nguồn Enternews